Quý Vị Là Người Đỡ Đẻ Của Đức Chúa Trời Cho Sự Sanh Lại Của Người Lận Cận
1 Phi-e-rơ 1:22–2:3
Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng; 23 anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời. 24 Vì, mọi xác thịt ví như cỏ, mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng, 25 Nhưng lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là đạo Tin lành đã giảng ra cho anh em. 2:1 Vậy anh em đã từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian giảo, mọi thứ giả trá, lòng ghen ghét và sự nói hành, 2 thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn, 3 nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào.
Lẽ thật Kinh Thánh về đức tin cứu rỗi là có hiệu lực khi Đức Chúa Trời khiến kẻ vô tín được tái sanh (1 Giăng 5:1) có lẽ khiến chúng ta cảm thấy được thêm sức, được khích lê, được dạn dĩ và đầy hy vọng trong công tác rao truyền Phúc Âm, hay điều nầy khiến chúng ta tin vào thuyết định mệnh, cảm thấy vô nghĩa, thiếu động lực và đờ ra trong việc rao truyền Phúc Âm. Nếu chúng ta tỏ ra tin vào thuyết định mệnh, cảm thấy vô nghĩa, thiếu động lực và đờ ra trong việc ra đi làm chứng cho những người chưa tin, những cảm nhận đó không có sự đồng bộ với lẽ thật, và chúng ta nên cầu xin Chúa thay đổi những cảm xúc đó của mình.
Đây là cách tôi sống cuộc đời mình mỗi ngày. Những cảm nhận của tôi không phải là Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời. Những cảm nhận của tôi không quyết định cho lẽ thật. Lời của Đức Chúa Trời quyết định lẽ thật. Những cảm nhận của tôi là những tiếng vang và những sự đáp ứng đối với những điều tâm trí của tôi có thể hiểu được. Và đôi khi - rất nhiều lần - những cảm nhận của tôi ở ngoài lẽ thật. Khi điều đó xảy ra - và nó xảy ra mỗi ngày trong một giới hạn nào đó - tôi cố gắng không bẻ cong lẽ thật để biện hộ cho những cảm nhận không đúng của mình, hơn thế, tôi cần xin Đức Chúa Trời: Làm sạch những hiểu biết của tôi về lẽ thật và thay đổi những cảm nhận của tôi hầu cho chúng ta được đồng hóa với lẽ thật.
Đó là cách tôi sống cuộc đời mình mỗi ngày. Tôi hy vọng quý vị cùng đồng công với tôi trong cuộc chiến nầy.
Những cảm nhận thích đáng với lẽ thật
Vậy, nếu tôi tìm thấy bên trong tôi những cảm nhận khiến tôi muốn thoái lui, cảm thấy vô nghĩa, thiếu động lực hay bị đờ ra trong việc làm chứng cho những người chưa tin vì cớ những lẽ thật Thánh Kinh nào đó, giống như việc Đức Chúa Trời tác động trước tiên trong sự tái sanh và kích hoạt đức tin cứu rỗi, thì tôi sẽ giơ cao đôi tay và tấm lòng của mình hướng về Chúa mà nói rằng: "Ôi hỡi Chúa, lẽ thật nầy được bày tỏ trong Lời của Ngài; xin bởi Thánh Linh của Ngài làm cho tôi nhìn thấy lẽ thật nầy theo cách khiến tôi được tự do, được thêm sức lực, được khích lệ, khiến tôi vui mừng và dạn dĩ ra đi làm chứng cũng như cho tôi được đầy hy vọng trong việc rao truyền Phúc Âm.
Tôi hy vọng quý vị đang cùng với tôi học biết làm thế nào giúp bản thân mình được đầy dẫy quyền năng của Đức Thánh Linh để làm chết đi những cảm nhận không đồng hóa với lẽ thật, và làm thế nào để bám lấy Đức Chúa Trời, Đấng làm biến đổi những cảm nhận của quý vị, hầu cho những cảm nhận đó xứng hợp với lẽ thật là Lời của Đức Chúa Trời.
Hãy Rao Tin Lành
Nếu Chúa muốn, hôm nay và tuần tới là hai sứ điệp cuối cùng trong loạt bài về sự tái sanh, là loạt bài chúng ta đã bắt đầu từ ngày 17 tháng Mười Một của năm ngoái. Tôi cảm thấy thật tốt và, tôi tin là, cũng vậy đối với Đức Thánh Linh, để chúng ta kết thúc loạt bài nầy bằng sự tập trung vào những điều chúng ta đã nhìn thấy trong việc chia sẻ Phúc Âm cách cá nhân - đặc biệt là vai trò rất quyết định của Đức Chúa Trời khiến có sự tái sanh cho vai trò không thể thiếu của chúng ta mà Đức Chúa Trời dùng để đem đến sự tái sanh. Hay nói cách đơn giản, nếu những điều nầy là đúng - những gì chúng ta nhìn trong mười chín sứ điệp - thì chúng ta nên làm gì để giúp đỡ những người khác được tái sanh?
Câu trả lời của Thánh Kinh không quá mơ hồ và cũng không quá phức tạp. Đó là: Hãy nói với mọi người tin lành về Đấng Christ với một tấm lòng đầy yêu thương và một cuộc đời phục vụ. Quý vị có thể hình dung được điều nầy trong 2 Cô-rinh-tô 4:5 chép như sau: "Vả, chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Chúa; và vì tình yêu mến Đức Chúa Jêsus mà chúng tôi xưng mình là tôi tớ của anh em". Rao truyền Đấng Christ là Chúa và coi chính chúng ta là những đầy tớ. Sự kiêu ngạo, hạ mình rao giảng về Đấng Christ, mà không có một tấm lòng tan vỡ hay tấm lòng đầy tớ, là mâu thuẫn với Phúc Âm. Và làm đầy tớ cách thầm lặng mà không bao giờ chia sẻ Phúc Âm là nghịch với tình yêu thương. "chúng tôi,...rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Chúa; và vì tình yêu mến Đức Chúa Jêsus mà chúng tôi xưng mình là tôi tớ của anh em". Đó là những gì chúng ta làm để giúp đỡ người khác được tái sanh. Chúng ta nói với họ tin lành về Đấng Christ từ một tấm lòng yêu thương và một cuộc đời phục vụ.
Vậy, hãy cùng quay trở lại 1 Phi-e-rơ 1:22 và tiếp tục nhìn xem mối liên hệ giữa sự tái sanh và vai trò của chúng ta trong việc chia sẻ Phúc Âm của Đấng Christ với một tấm lòng yêu thương và một cuộc đời phục vụ.
Tái Sanh Bởi Lời Của Đức Chúa Trời
Chúng ta đã đưa ra ba sứ điệp cho phân đoạn Kinh Thánh nầy. Rất quan trọng. Nhưng hôm nay câu hỏi của chúng ta khác một chút: Thực tế về sự tái sanh có ý gì đối với việc ra đi làm chứng cho những người chưa tin Chúa? Đây là một cái nhìn khái quát trước những gì chúng ta đã nhìn thấy. Nếu quý vị muốn biết tất cả những tranh luận về những kết luận nầy, quý vị phải quay trở lại và xem lại những sứ điệp nầy.
Câu 22: "Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng". Sự làm sạch lòng mình trong câu 22 là những gì xảy ra trong sự tái sanh. Sự vâng theo lẽ thật chỉ về đức tin trong Phúc Âm. Lẽ thật là Phúc Âm của Đấng Christ, sự vâng theo Phúc Âm là đức tin nơi Đấng Christ. Lòng yêu thương anh em cách thật thà là kết quả và bông trái của sự tái sanh. Do đó, sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng: Giờ đây là điều xảy ra trong vòng anh em, đó là "hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng". Nói cách khác, khi quý vị được tái sanh bởi đức tin nơi Phúc Âm với một cách nhìn hướng đến một đời sống được biến đổi trong tình yêu thương, thì hãy sống với điều đó. Hãy yêu thương nhau.
Sau đó, trong câu 23 ông sử dùng ngôn ngữ rất đặc thù trong sự tái sanh: "Anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời". Đây quả là câu Kinh Thánh quan trọng trong Kinh Thánh cho thấy mối liên hệ giữa sự tái sanh và vai trò của quý vị trong việc làm thế nào sự tái sanh xảy ra với những người khác. Câu chìa khóa quan trọng đó là: Anh em đã được lại sanh...bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời".
Nói cách khác, hạt giống mà Đức Chúa Trời sử dụng để làm nên sự tái sanh trong những tấm lòng đã chết về phương diện thuộc linh và vô tín là hạt giống của Lời Đức Chúa Trời. "Anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, [là] bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời". Không có nhiều câu như vậy trong Kinh Thánh quan trọng hơn câu nầy. Nếu quý vị nhìn thấy ẩn ý của nó, thì lẽ thật sẽ thay đổi cuộc đời của quý vị cách hoàn toàn.
Lời Của Đức Chúa Trời: Phúc Âm
Nhưng để nhìn thấy ẩn ý nầy, chúng ta cần phải đảm bảo chắc chắn rằng chúng ta nhìn thấy Lời của Đức Chúa Trời. Có nhiều cách khác nhau để hiểu Lời của Đức Chúa Trời. Thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:3). Chúa Jêsus được gọi là Lời của Đức Chúa Trời (Giăng 1:1,14). Mười Điều Răn được gọi là Lời của Đức Chúa Trời (Mác 7:13). Những lời hứa dành cho dân Y-sơ-ra-ên được gọi là Lời của Đức Chúa Trời (Rô-ma 9:6).
Nhưng ở đây sứ đồ Phi-e-rơ đặc biệt có ý nói trong câu 23 rằng chúng ta được tái sanh bởi Lời của Đức Chúa Trời. Trước tiên, ông noi rằng: hằng sống và bền vững. "Anh em đã được lại sanh...bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời". Lời ở đây là Lời hằng sống bởi vì Lời ấy chứa đựng quyền năng thiêng liêng ban cho sự sống mới. Và Lời của Đức Chúa Trời là bền vững bởi vì Lời ấy tạo nên sự sống một lần còn đến đời đời.
Sau đó, Phi-e-rơ dẫn chứng sách tiên tri Ê-sai 40:6-8 trong câu 24-25 để giải thích và bỗ trợ cho lời tuyên bố về Lời của Đức Chúa Trời như sau: "Mọi xác thịt ví như cỏ, mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời Chúa còn lại đời đời". Lời của Đức Chúa Trời không giống như cỏ và hoa. Cỏ và hoa chỉ sống được một thời gian và hớn hở trong giới hạn đó. Rồi chúng tự tan biến đi, và sự sống mà chúng chia sẻ cho cũng không còn nữa. Nhưng Lời của Đức Chúa Trời không như vậy. Sự sống bởi Lời ấy còn đến đời đời vì sự sống và sự tồn tại bởi Lời ấy còn đến đời đời.
Phi-e-rơ cho chúng ta biết chính xác điều ông đang noi đến bằng cách viết thật rõ câu nầy "lời Chúa". Ông nói trong phần cuối của câu 25 rằng: "Và lời đó là đạo Tin lành đã giảng ra cho anh em". Tin lành đã giảng ra cho anh em - đó là giống chẳng hư nát; đó là lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời mà nhờ đó quý vị được cứu rỗi. Nên cách Đức Chúa Trời đem đến sự tái sanh trong những tấm lòng khô héo và vô tín là Phúc Âm, là Tin lành.
Tin Lành Kỳ Diệu Nhất Trên Thế Giới
Và tin tức đó là: Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, đã chết thế cho chúng ta - trở nên sự thay thế cho chúng ta - để trả cái giá cho hết thảy tội lỗi chúng ta, và để lập nên sự công bình trọn vẹn, và để gánh lấy cũng như dời đi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, và sống lại từ sự chết, chiến thắng sự chết hầu cho chúng ta được sự sống đời đời và vui hưởng trong sự hiện diện của Ngài - và tất cả những điều nầy được cung ứng miễn phí qua đức tin nơi Chúa Jêsus Christ. Đó là Tin lành. Ngày hôm nay, hai ngàn năm đã qua, đây vẫn là Tin lành dành cho cả thế giới. Và có hàng triệu người (gần xa) chưa được nghe Tin lành nầy.
Vậy, đây là điểm quan trọng - và điều nầy hết sức quan trọng nếu có bất kỳ người thân nào (hay hàng ngàn người nào mà quý vị yêu mến) quý vị muốn họ được tái sanh để sống trong sự hy vọng: Nếu có ai được tái sanh, thì điều đó sẽ xảy ra qua việc nghe thấy Lời của Đức Chúa Trời, trọng tâm là Phúc âm về Đức Chúa Jêsus Christ. Họ sẽ được "tái sanh...bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời...đạo Tin lành..."
- Đức Chúa Trời khiến có sự tái sanh qua hạt giống của Lời, là Phúc Âm.
- Đức Chúa Trời khiến có sự tái sanh qua việc rao giảng Phúc Âm của quý vị đến với mọi người
- Đức Chúa Trời tái sanh con người qua Tin lành về Đấng Christ là ai và Ngài đã làm gì trên thập tự giá và sự sống lại.
- Đức Chúa Trời ban sự sống mới cho những tấm lòng đã chết qua lời nói của quý vị khi quý vị chia sẻ Phúc Âm.
Hạt Giống Cứu Rỗi Của Phúc Âm
Vậy, quay trở lại với câu hỏi ban đầu của chúng ta: Chúng ta nên làm gì để giúp những người chưa tin được tái sanh? Câu trả lời đó là: Chia sẻ tin lành về Đấng Christ với một tấm lòng yêu thương và một đời sống phục vụ. Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về tấm lòng yêu thương và đời sống phục vụ sau. Nhưng với vài phút còn lại chúng ta sẽ tập trung vào thực tế kỳ diệu nầy: Hạt giống cứu rỗi là Lời của Đức Chúa Trời - là Phúc Âm được rao giảng. Hạt giống tạo nên sự sống mới là Phúc Âm giảng ra từ miệng của tín hữu đến với những người chưa tin. Công cụ phẫu thuật để mở mắt kẻ mù đó là những lời quý vị nói ra và giải thích Phúc Âm.
Làm thế nào để điều nầy không chỉ là sự tin chắc mà còn là niềm đam mê cho chúng ta? Tôi cầu xin Đức Chúa Trời sẽ sử dụng chính Lời của Ngài trong sứ điệp nầy để đánh thức niềm khao khát đó. Vậy nên chúng ta tiếp tục suy xét Lời của Ngài. Gia-cơ 1:18 chép rằng: "Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sanh chúng ta". Chính trong những gì sứ đồ Gia-cơ viết, là người anh em của Chúa, ông nói rằng: bởi "Lời chân thật". Đó là thể nào Ngài khiến chúng ta được tái sanh. Và điều nầy chỉ về sự tái sanh.
Rao Giảng Nhân Đức Của Ngài
Trong 1 Phi-e-rơ 2:9, chỉ trong vòng chín câu Kinh Thánh sau phân đoạn 1:23-25 của chúng ta ("được tái sanh...bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời,...đạo Tin lành...") sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng: "Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài".
Đức Chúa Trời đã đem chúng ta ra khỏi sự tối tăm, đến nới sáng láng lạ lùng bởi Lời của Ngài, là Phúc Âm (1:23,25). Và giờ đây trong nơi sáng láng lạ lùng chúng ta phải làm gì? Tại sao chúng ta lại ở đây? Một lý do rất quan trọng trong thời đại nầy đó là: hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài". Chúng ta đang ở trong nơi sáng láng lạ lùng của tình yêu thương, quyền phép và sự khôn ngoan của Đấng Christ, hầu cho sự vui mừng của chúng ta trong nơi sáng láng lạ lùng đó được đầy dẫy qua việc rao giảng sự nhân đức của Đấng Christ.
Tại sao? Bởi vì đó là cách những người khác được tái sanh - bằng việc lắng nghe Phúc Âm. Và khi họ được tái sanh họ sẽ dời từ nơi tối tăm đến nơi sáng láng lạ lùng và nhìn biết Đấng Christ thực sự là ai, họ tôn kính Ngài vì chính Ngài và từ đó tán dương Ngài vì chính Ngài. Và sự vui mừng của chúng ta được nên trọn vẹn trong sự vui mừng của họ ở trong Ngài.
Điều nầy sẽ như thế nào trong ngày hôm nay?
Điều nầy sẽ như thế nào hầu cho hàng ngàn Cơ Đốc nhân tại hội thánh Bethlehem và nhiều hội thánh khác trong thành phố Twin nầy có đầy sự nhiệt huyết trong việc chia sẻ Phúc Âm cho những người chưa tin? Một trong những lý do chúng ta không thực hiện việc nầy như chúng ta cần phải làm đó là cuộc sống ở trên nước Mỹ có quá nhiều thú vui đến nỗi những suy nghĩ về sự tuyệt vọng, sự đời đời, nhu cần thuộc linh trở nên quá khó để cảm nhận, không được để ý đến. Thế gian có quá nhiều thú tiêu khiển khiến chính chúng ta không cảm thấy thoải mái với những suy nghĩ rằng con người đang hư mất.
Tuy vậy, điều Đức Chúa Trời sẽ chọn để làm đó là những gì Ngài đã làm cho hội thánh tại thành Giê-ru-sa-lem. Họ không ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, và cho đến tận cùng thế giới để truyền giáo theo như những gì Chúa Jêsus đã phán cùng họ trong Công-vụ 1:8. Nên Ê-tiên đã đứng dậy cất tiếng giảng ra những lời chứng không thể cưỡng lại được (Công-vụ 6:10) đến nỗi cách duy nhất mà những kẻ thù có thể làm đó là giết chết ông (Công-vụ 7:60).
Và khi họ làm điều đó, cơn bắt bớ tràn ra trên các Cơ Đốc nhân tại thành Giê-ru-sa-lem. "Sau-lơ vốn ưng thuận về sự Ê-tiên bị giết. Trong lúc đó, Hội thánh ở thành Giê-ru-sa-lem gặp cơn bắt bớ dữ tợn; trừ ra các sứ đồ, còn hết thảy tín đồ đều phải chạy tan lạc trong các miền Giu-đê và xứ Sa-ma-ri" (Công-vụ 8:1). Và kết quả là gì? Công-vụ 8:4 chép rằng: "Vậy, những kẻ đã bị tan lạc đi từ nơi nầy đến nơi khác, truyền giảng đạo Tin lành(enangelizomenoi ton logon, Công-vụ 8:4-5).
Đây không phải là một sự đáp ứng kỳ diệu trước cơn bắt bớ, sự đau đớn, mất mát, bị đày ải và tình trạng mất mát nhà cửa sao? Ôi chúng ta nên ôm lấy Phúc Âm và những người đang hư mất mà cơn hoạn nạn, cảnh khốn cùng, sự bắt bớ, đói kém, sự lõa lồ, sự nguy khốn, gươm giáo, súng đạn, tình trạng khủng bố rất thực tế nầy sẽ chuyển chúng ta không phải trở thành những kẻ than phiền đầy sợ hãi, nhưng là những sứ giả đầy dạn dĩ cho Tin lành. Rõ ràng khi họ bị bắt bớ, họ đã đi từ nơi nầy đến nới khác để giảng Tin lành của Đấng Christ. Có lẽ Chúa sẽ thực hiện điều nầy. Ngài chắc chắn đang làm điều nầy ở đâu đó, và hàng triệu người đang được tái sanh - qua tình yêu thương, sự dạn dĩ, việc chia sẻ rõ ràng Phúc Âm của những Cơ Đốc nhân đang bị bắt bớ.
Mong ngóng Phúc Âm
Làm thế nào chúng ta có thể đến với niềm vui rất dạn dĩ đó? Tôi sẽ đưa ra những ví dụ và những phương pháp rất cụ thể trong tuần kế tiếp, nếu Chúa muốn, nhưng hãy để tôi đóng lại sứ điệp ngày hôm nay như sau: Chúng ta sẽ trở nên những người chia sẻ Phúc Âm đầy vui mừng và dạn dĩ khi chúng ta học theo Phi-e-rơ trong 1 Phi-e-rơ 2:1-3. Đây là những lời khuyên bảo của ông dành cho chúng ta:
Vậy anh em đã từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian giảo, mọi thứ giả trá, lòng ghen ghét và sự nói hành, thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn, nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào.
Việc nhắc đến "trẻ con mới đẻ" không có nghĩa là tất cả thánh đồ trong vùng đó là chưa trưởng thành. Không phải. Ông không ám chỉ những người chưa trưởng thành. Ông đang mô tả sự khao khát của những ai được tái sanh, và ông đang khích lệ chúng ta khao khát như trẻ con thèm sữa vậy. Và ông đưa ra điều chúng ta nên khao khát giống như "sữa thiêng liêng của Đạo". Từ "thiêng liêng" ở đây (logikon) có nghĩa là "thiêng liêng" "không phải theo nghĩa đen" mà là "nghĩa bóng", và là hình bóng đặc biệt chỉ về Lời của Đức Chúa Trời. Vì vậy, bản dịch King James rất đúng khi dịch rằng "sữa thiêng liêng của Đạo".
Điểm cần lưu ý đó là: Ông vừa cho chúng ta biết rằng chúng ta được tái sanh bởi Lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời, là đạo Tin lành. Bâu giờ ông nói rằng: Hãy khao khát mỗi ngày như đứa trẻ thèm sữa. Hãy cảm nhận nhu cần mỗi ngày như đứa trẻ cần phải có sữa để lớn lên, nếu không chúng sẽ chết. "Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời" (Ma-thi-ơ 4:4). Sứ đồ Phi-e-rơ đang nói rằng: Nếu quý vị đang được tự do khỏi điều độc ác, mọi điều gian giảo, mọi thứ giả trá, lòng ghen ghét và sự nói hành - nếu quý vị đang chia sẻ Phúc Âm với một tấm lòng đầy yêu thương và một đời sống phục vụ - thì quý vị phải đói khát Lời của Đức Chúa Trời như trẻ con thèm sữa vậy.
Đã Thử Chưa?
Và tại sao quý vị muốn làm điều nầy? Câu 3 chép rằng: Quý vị sẽ có khao khát nầy..."nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào". Đây là chìa khóa cho việc chia sẻ Phúc Âm cách cá nhân: Quý vị đã nếm thử Lời của Đức Chúa Trời - đặc biệt là Phúc Âm - là ngọt ngào chưa? Quý vị đã thử chưa? Chưa: Quý vị đã bao giờ nghĩ về nó không? Chưa: Quý vị đã quyết định sẽ thử không? Nhưng: Quý vị đã thử chưa? Có những vị ngọt thuộc linh nào ra nụ trong tấm lòng của quý vị cho biết rằng Đấng Christ thật ngọt hơn bất kỳ điều gì chưa?
Đây là điểm chúng ta cần phải xem xét cách nghiêm túc. Chúng ta sẽ gieo hạt giống làm cho tái sanh đầy quyền năng của Đức Chúa Trời nếu chúng ta đã nếm thử chính Chúa là ngọt ngào. Ngài là sự vui mừng của chúng ta. Ngài là kho báu của chúng ta. Ngài là thịt, sữa, nước, rượu của chúng ta. Nguyện Đức Chúa Trời làm thong thả những cái lưỡi của chúng ta và khiến chúng ta trở thành những kẻ rao giảng Phúc Âm cách dạn dĩ bởi vì chúng ta được say sưa với rượu là Lời của Đức Chúa Trời và sự nhân đức của Ngài.