Sự Tái Sanh Sản Sinh Tình Yêu Thương
1 Giăng 4:7-21
Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. 8 Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương. 9 Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. 10 Nầy, sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta. 11 Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau. 12 Chưa hề có ai thấy Đức Chúa Trời; nếu chúng ta yêu nhau, thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, và sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta. 13 Bởi điều nầy chúng ta biết mình ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta, là Ngài đã ban Thánh Linh Ngài cho chúng ta. 14 Chúng ta lại đã thấy và làm chứng rằng Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian. 15 Ví bằng có ai xưng Đức Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời ở trong người, và người ở trong Đức Chúa Trời. 16 Chúng ta đã biết và tin sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy. 17 Nầy vì sao mà sự yêu thương được nên trọn vẹn trong chúng ta, hầu cho chúng ta được lòng mạnh bạo trong ngày xét đoán, ấy là Chúa thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế gian nầy. 18 Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt, và kẻ đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương. 19 Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước. 20 Ví có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được. 21 Chúng ta đã nhận nơi Ngài điều răn nầy: Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình.
Chúng ta đang tiến tới tuần lễ Thánh, khía cạnh của sự tái sanh mà tôi muốn chúng ta tập chú vào đó là sự tái sanh tạo ra mối liên hệ giữa tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta và tình yêu của chúng ta dành cho nhau. Nếu có ai từng hỏi rằng: Làm thế nào việc Đức Chúa Trời yêu thương quý vị lại là kết quả cho tình yêu thương mà quý vị dành cho nhau? câu trả lời là: Sự tái sanh tạo ra mối liên hệ đó. Sự tái sanh là công tác của Đức Thánh Linh liên kết tấm lòng đã chết và ích kỷ của chúng ta với tấm lòng yêu thương sống động của Đức Chúa Trời, hầu cho sự sống của Ngài trở nên sự sống của chúng ta và tình yêu thương của Ngài trở nên tình yêu thương của chúng ta.
Điều nầy được nhìn thấy rất rõ ràng trong I Giăng 4:7-12. Và sứ đồ Giăng cho thấy mối liên quan qua hai cách sau: Thứ nhứt, ông cho thấy bản tánh của Đức Chúa Trời là tình yêu thương, hầu cho khi Ngài khiến chúng ta được tái sanh, chúng ta cùng chia sẻ bản tánh đó; và thứ hai, ông cho thấy rằng sự biểu lộ bản tánh đó trong lịch sử đó là sự sai Con một của Ngài, hầu cho qua đó chúng ta nhận được sự sống đời đời nhờ Ngài. Hãy cùng nhau suy gẫm mỗi một ý sau và hãy để ý thể nào chúng lại có mối liên hệ với sự tái sanh.
Bản Tánh Của Đức Chúa Trời Là Tình Yêu Thương
Đầu tiên, câu 7-8 chép rằng: Bản tánh của Đức Chúa Trời là tình yêu thương. "Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương". Hãy để ý câu Kinh Thánh để cập hai điều. Câu 7 nói rằng "sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời". Và cuối câu 8 nói rằng: "Đức Chúa Trời là sự yêu thương". Cả hai không hề khác nhau. Bởi vì khi sứ đồ Giăng nói rằng: "sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời", ông không hề có ý nói rằng việc đến từ Ngài giống như những lá thư đến từ một người đưa thư, hay dù những lá thư đó đến từ một người bạn đi nữa. Ông có ý nói rằng tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời giống như việc sức nóng toát ra từ đám lửa, hay cách ánh sáng bắt nguồn từ mặt trời. Tình yêu thương là bản tánh vốn có của Đức Chúa Trời. Nó được thêu dệt trong Ngài. Nó là một phần của việc là Đức Chúa Trời. Mặt trời đem đến ánh sáng bởi vì chính nó là sự sáng. Và lửa mang đến sức nóng vì bản chất lửa phải nóng.
Vậy, tiêu điểm mà sứ đồ Giăng muốn đưa ra đó là trong sự tái sanh, bản tánh tự thiên đầy thiên liêng nầy trở nên một phần trong chính chúng ta. Sự tái sanh đem đến cho quý vị sự sống thiên thượng, và một phần không thể thiếu được của sự sống đó là tình yêu thương. Bản tánh tự nhiên của Đức Chúa Trời là tình yêu thương, và trong sự tái sanh, bản tánh đó trở nên một phần trong chính chúng ta. Hãy nhìn vào câu 12: "Chưa hề có ai thấy Đức Chúa Trời; nếu chúng ta yêu nhau, thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, và sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta". Khi quý vị được tái sanh, chính Đức Chúa Trời sống trong quý vị. Ngài ngự trong lòng quý vị và làm ngập tràn tấm lòng quý vị bằng tình yêu của Ngài. Và mục đích của Ngài đó là khiến tình yêu nầy trở nên trọn vẹn bên trong quý vị. Hãy để ý những chữ "sự yêu mến Ngài" trong câu 12. Tình yêu thương mà quý vị có khi đã tái sanh không chỉ là sự mô phỏng nào đó của tình yêu thiên thượng. Đó là một kinh nghiệm về tình yêu thiên thượng và là một sự mở rộng hơn nửa tình yêu đó dành cho người lân cận.
Tình yêu của Đức Chúa Trời Được Bày Tỏ Qua Việc Sai Chính Con Ngài
Vậy, cách đầu tiên sứ đồ Giăng liên hệ tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta và tình yêu của chúng ta dành cho người khác bằng cách tập chú vào bản tánh của Đức Chúa Trời là tình yêu thương và thể nào sự tái sanh liên hệ chúng ta với điều đó. Sau đây, cách thứ hai, hãy cùng xem xét câu 9-11, sứ đồ Giăng đang đề cập việc biểu lộ tình yêu thương thiên thượng rất quan trọng nầy trong lịch sử.
Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Nầy, sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta. Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau.
Như vậy, trong tâm trí của sứ đồ Giăng, tình yêu vĩ đại của Đức Chúa Trời được bày tỏ bằng cách Đức Chúa Trời đã sai chính Con Ngài - Giăng nói như vậy đến hai lần trong câu 9 và câu 10. Ông nói rằng mục đích của việc sai phái đó là làm của lễ chuộc tội cho chúng ta. Đó là lý do khiến sự sai phái đó trở thành tình yêu thương. Và của lễ chuộc tội đó là gì? Tức là Ngài đã đến để gánh chịu sự đoán phạt tội lỗi của chúng ta và trở thành Đấng cất đi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời khỏi chúng ta. Hãy nghĩ đến điều đó! Chính bởi tình yêu của Đức Chúa Trời mà Ngài đã sai chính Con Ngài để gánh chịu sự đoán xét công bình và để cất đi cơn thạnh nộ đầy công bình của Đức Chúa Trời. Tình yêu vĩ đại của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua cách tự chính Ngài làm thỏa mãn cơn thạnh nộ của Ngài.
Và cách Đức Chúa Con thực hiện điều nầy được đề cập trong I Giăng 3:16: "Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống". Vậy, Đức Chúa Con đã trở nên của lễ chuộc tội bằng cách từ bỏ sự sống của Ngài vì chúng ta. Chịu chết vì chúng ta. Và sứ đồ Giăng cũng nói rằng đó là sự tỏ ra bản tánh của Đức Chúa Trời. Đó là Đức Chúa Trời của chúng ta.
Ấy Chẳng Phải Chúng Ta Đã Yêu Đức Chúa Trời
Hãy để ý một điểm khác nữa mà sứ đồ Giăng đã đưa vào trong câu 10: " Nầy, sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta". Ông đang bênh vực điều gì trong những lời phủ nhận nầy: "Nầy, sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời..." Sứ đồ Giăng đang nhấn mạnh rằng bản chất và nguồn gốc của tình yêu thương không dựa vào cách đáp ứng của chúng ta với Đức Chúa Trời. Đó không phải là sự khởi đầu của tình yêu thương. Đó không phải là tất cả về tình yêu thương. Tình yêu thương là và tình yêu thương luôn khởi nguồn với Đức Chúa Trời. Và nếu như bất kỳ điều gì chúng ta cảm nhận hay làm có thể gọi là tình yêu thương, thì những điều đó là tình yêu thương bởi vì chúng ta được hiệp một với Đức Chúa Trời bởi sự tái sanh.
Vậy, cho đến thời điểm nầy, chúng ta đã lướt qua hai điều về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Điều thứ nhứt, sứ đồ Giăng cho thấy rằng bản tánh của Đức Chúa Trời là tình yêu thương hầu cho khi Ngài khiến chúng ta được sanh lại , chúng ta sẽ cùng chia sẻ bản tánh đó với Ngài; và điều thứ hai, Giăng cho thấy rằng hành động sai chính Con Ngài là sự bày tỏ tình yêu thương trong lịch sử, hầu cho chúng ta được sự sống đời đời bởi Ngài.
Chúng Ta Phải Yêu Thương Nhau
Nhưng đừng bỏ qua vị trí rất quan trọng của sự tái sanh trong mối liên hệ với tình yêu thương được tỏ ra của Đức Chúa Trời cũng như bản tánh yêu thương của Đức Chúa Trời. Khi sứ đồ Giăng nói trong câu 11 rằng: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau". Khi Giăng viết như thế, chúng ta cần phải hiểu từ phải nầy như thế nào? Nếu quý vị đã quên hết mọi chi tiết trong năm câu Kinh Thánh vừa rồi, thì quý vị có thể nói như vầy: "Uhm, điểm mấu chốt của sự hóa thân làm người là sự mô phỏng. Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta. Chúng ta nhìn xem cách Ngài đã làm và chúng ta bắt chước theo. Chúng ta bị bắt phải làm theo".
Nhưng sứ đồ Giăng không quên những gì ông đã viết trước đó trong câu 7-8 rằng: "kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương". Vì thế, khi ông nói rằng: "Chúng ta cũng phải yêu nhau", phải có ý giống như cá phải lội trong nước cũng như chim phải bay trên trời và giống như mọi vật sống phải thở và như quả đà phải ngọt, chanh phải chua, linh cẩu phải lúc nào cũng cười. Còn những người đã được tái sanh phải biết yêu thương. Đó chính là chúng ta. Đây không phải chỉ là sự mô phỏng. Đối với con cái của Đức Chúa Trời, sự mô phỏng cần phải có sự nhận thức rõ ràng. Chúng ta đang cùng nhau nhận ra bản thân chúng ta là ai khi chúng ta bày tỏ tình yêu thương. Hạt giống của Đức Chúa Trời ở trong lòng chúng ta. Thánh Linh của Đức Chúa Trời ở trong chúng ta. Bản tánh của Đức Chúa Trời ở trong chúng ta. Tình yêu của Ngài đang được nên trọn vẹn trong chúng ta.
Tình Yêu Thương Trong Hành Động Sai Đấng Christ Của Đức Chúa Trời Là Động Lực Bên Trong Chúng Ta
Đúng vậy, có một sự thôi thúc bên ngoài trong việc nhìn thấy Con Đức Chúa Trời từ bỏ sự sống vì chúng ta trong lịch sử và thôi thúc chúng ta sống với điều nầy. Nhưng điều độc nhất trong cuộc đời Cơ Đốc nhân đó là có một động cơ bên trong, xuất phát từ sự sanh lại và có được tình yêu thương mà bởi đó Đức Chúa Con được sai đến thế gian, thôi thúc trong tâm linh nhờ sự sống của Đức Chúa Trời ở bên trong chúng ta. Sự tái sanh cho phép chúng ta nếm biết tình yêu thương của Đức Chúa Trời bày tỏ ra trong lịch sử, chính là sự hiện hữu của Thánh Linh Đức Chúa Trời ở bên trong chúng ta.
Vì vậy, tôi quay trở lại với những gì đã đề cập ngay từ đầu. Khi chúng ta bước vào Tuần lễ Thánh, khía cạnh của sự tái sanh mà tôi muốn tất cả chúng ta tập trung vào đó là sự tái sanh tạo ra sự kết nối giữa tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta và tình yêu của chúng ta dành cho nhau. Nếu có ai đó từng thắc mắc rằng: Làm thế nào tình yêu của Đức Chúa Trời lại kết quả trong tình yêu của quý vị dành cho người khác? câu trả lời là: Sự tái sanh tạo nên mối liên hệ đó. Sự tái sanh là hành động của Đức Thánh Linh, Ngài khiến gắn kết tấm lòng đã chết và ích kỷ của chúng ta với tấm lòng sống động đầy tình yêu thương của Đức Chúa Trời, để rồi sự sống của Ngài trở nên sự sống của chúng ta và tình yêu của Ngài trở thành tình yêu của chúng ta.
Giờ đây, chúng ta đã nhìn thấy tình yêu nầy là bản tánh của Đức Chúa Trời và là công tác Đức Chúa Trời đã làm trong lịch sử, Ngài đã sai chính Con mình để từ bỏ sự sống của Ngài, hầu cho Con ấy trở nên của lễ chuộc tội cho chúng ta và nhờ đó chúng ta được sự sống đời đời. Sự tái sanh gắn kết chúng ta với những điều nầy theo cách mà những điều đó cho thấy rằng chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta được tái sanh thì chúng ta phải yêu thương nhau.
Kẻ Được Tái Sanh Yêu Thương Nhau Thể Nào
Điều tôi muốn làm trong khoảng thời gian còn lại là áp dụng điều nầy cho chúng ta là hội thánh tại Bethlehem nầy. Tôi muốn nói cùng hết thảy quý vị điều mà sứ đồi Giăng đang nói với hết thảy chúng ta trong câu 11 rằng: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau". Nếu chúng ta là những người tái sanh, chúng ta là những người biết yêu thương. Nếu chúng ta được tái sanh, tình yêu của Đức Chúa Trời ở bên trong chúng ta. "Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình" (1 Giăng 3:14).
Điều Nầy Sẽ Trở Nên Như Thế Nào?
Sứ đồ Giăng đề cập nhiều phương cách cụ thể cho thấy tình yêu của Đức Chúa Trời sẽ trở nên rất thật trong đời sống của chúng ta qua sự tái sanh. Tôi sẽ đề cập hai điều, và cách mà những điều đó đang dần biến đổi đời sống của tất cả chúng ta tại hội thánh Bethlehem nầy - và cần phải làm như vậy nhiều hơn nữa.
1) Vui Cách Khiêm Nhường Trước Sự Tốt Lành Của Người Lân Cận
1 Giăng 3:11-14 chép rằng: " Vả, lời rao truyền mà các con đã nghe từ lúc ban đầu, ấy là chúng ta phải yêu thương lẫn nhau. Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma quỉ, đã giết em mình. Vì sao người giết đi? Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình. Hỡi anh em, nếu thế gian ghen ghét anh em, thì chớ lấy làm lạ. Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết".
Ở đây, sắc thái cụ thể của tình yêu thương trong câu 12 đối với quý vị có thể chỉ toàn là những điều không cần thiết. "Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma quỉ, đã giết em mình". Tôi có cần phải quan tâm rằng sẽ có rất nhiều kẻ giết người ở đây tại hội thánh Bethlehem nầy không? Không. Và tôi không nghĩ rằng sứ đồ Giăng lại lo sợ điều nầy. Ông không tập trung vào việc giết người. Ông đưa ra câu hỏi trong câu 12 rằng: "Vì sao người giết đi?" Đó là điều sứ đồ Giăng quan tâm. Có điều gì đó trong động cơ của Ca-in mà ông nghĩ rằng sẽ trở nên xác thực với cách mà hội thánh yêu thương lẫn nhau - và cách mà chúng ta yêu thương nhau.
Ông trả lời ở cuối câu 12 rằng: "Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình". Điều sứ đồ Giăng đang nói đến ở đây đó là không chỉ tình yêu thương hoàn toàn không dẫn đến việc giết một người anh em, mà tình yêu thương không bao giờ bực bội khi một người anh em đang trưởng thành hơn về phương diện thuộc linh hay đạo đức. Ca-in đã không giết A-bên chỉ đơn giản vì Ca-in là người làm điều dữ. Ông đã giết A-bên bởi vì sự đối nghịch giữa điều tốt của A-bên và sự gian ác của ông khiến ông tức giận, phẫn uất. Điều đó khiến ông cảm thấy tội lỗi. A-bên đã không nói một lời nào; sự tốt lành của A-bên đã trở nên một lời nhắc nhở không dứt đối với sự gian ác của Ca-in. Và thay vì xử lý điều ác ở trong ông bằng cách ăn năn và thay đổi, ông lại giết A-bên. Nếu quý vị không thích thứ quý vị nhìn thấy trong gương, thì quý vị sẽ bắn vỡ tấm gương đó.
Vậy, chúng ta sẽ như thế nào nếu giống như Ca-in? Hễ khi nào sự yếu đuối hay thói quan xấu trong đời sống của chúng ta bị phơi bày ra bởi sự đối lập với những điều tốt lành của ai đó, thay vì xử lý những điều yếu đuối hay thói quen xấu đó, chúng ta lại sống cách xa những người khiến chúng ta cảm thấy đầy xấu xa. Chúng ta không giết họ. Chúng ta tránh xa khỏi họ. Hay tệ hơn, chúng ta tìm cách chỉ trích họ để trung hòa điều có trong đời sống của họ khiến chúng ta cảm thấy bị kết án. Cách tốt nhất để vô hiệu hóa những điều tốt lành có trong người khác đó là để ý đến những điều xấu của họ. Và như thế, chúng ta đang bảo vệ bản thân mình trước những điều tốt nào đó.
Nhưng tiêu điểm của Giăng đó là: Tình yêu thương không hành động như vậy, Tình yêu thương là vui mừng khi anh chị em của chúng ta đang phát triển những thói quen tốt hay thái độ tốt hay hành vi tốt. Tình yêu thương hớn hở trong sự trưởng thành nầy. Và nếu điều đó xảy ra nhanh hơn sự phát triển của chính bản thân chúng ta, thì tình yêu thương là khiêm nhường và vui với kẻ vui.
Vậy, bài học cho chúng ta đó là: Mỗi khi nhìn thấy ai đó đang lớn lên, về mặt đạo đức, về sự kỷ luật thuộc linh, những thói quen tốt, hay thái độ tốt nào đó, thì hãy mừng rỡ vì những điều đó. Hãy cảm tạ vì những điều đó. Hãy chúc mừng họ. Đừng tỏ ra bực bội. Chớ làm như Ca-in. Hãy phản ứng ngược lại với Ca-in. Hãy được khích lệ bởi những điều tốt từ người khác. Tình yêu thương là khiêm nhường. Tình yêu thương vui với những điều tốt của người khác. Tình yêu thương không bao che những sai sót. Tình yêu thương luôn tìm cách thay đổi những điều đó. Một mối thông công tuyệt vời sẽ như thế nào khi mọi người đến với nhau vui mừng trước những điều tốt lành của nhau mà không hề cảm thấy bực bội với trước những điều đó! Đây chính là tình yêu thương của Đức Chúa Trời khi sự tái sanh đem đến sự sống cho con cái của Ngài.
2) Đáp Ứng Nhu Cần Của Người Khác - Dù Giá Phải Trả Lớn Thể Nào
Sắc thái thứ hai sứ đồ Giăng nói tình yêu của Đức Chúa Trời trở nên rất thật trong đời sống của chúng ta qua sự tái sanh được tìm thấy trong I Giăng 3:16-18 chép rằng: "Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy. Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được! Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật".
Ông nói 3 điều về tình yêu thương trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, và tất cả đang phát triển nên một cách cụ thể hơn. Điều đầu tiên, ông nói rằng tình yêu thương luôn làm ra những điều có lợi cho mọi người. Câu 18 chép rằng: "Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật". Ông không có ý cho rằng việc nói là một cách không quan trong để bày tỏ tình yêu thương với người khác. Lưỡi có đầy khả năng để nói ra tình yêu thương và gây thù hận. Điều ông đang đề cập ở đây đó là việc làm cụ thể để gọi là tình yêu thương ở đâu, đừng chỉ dừng lại ở lời nói. Hãy làm những điều cụ thể cho nhau.
Sau đó, ông cho chúng ta biết thể nào chúng ta cần phải nghiêm túc thực hành những điều nầy. Câu 16 chép rằng: "chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy". Đấng Christ đã yêu chúng ta, Ngài đã từ bỏ sự sống mình vì chúng ta. Khi chúng ta được tái sanh, tình yêu thương nầy đã trở thành tình yêu thương của chúng ta. Có một sự thôi thúc sâu thẳm bên trong những người đã được tái sanh muốn làm chết đi xác thịt để người khác được sống. Sự hiện diện của Đấng Christ bên trong người được tái sanh là sự hiện hữu của một tấm lòng đầy tớ. Một tinh thần hy sinh. Một sự sẵn sàng hạ xuống để người khác được tôn lên. Tình yêu thương không tìm kiếm lợi lộc trên phí tổn của người khác. Tình yêu thương luôn muốn người khác được lợi, và nếu điều đó phải trả giá bằng mạng sống của chúng ta, thì quả thật xứng đáng. Chúa Jêsus sẽ gìn giữ chúng ta.
Vì thế, điều đầu tiên sứ đồ Giăng nói đó là: tình yêu thương có hành động cụ thể và làm điều có lợi cho người khác. Điều thứ hai ông nói đó là chúng ta sẽ làm điều nầy cho dù giá phải trả đắt như thế nào. "Ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy".
Điều thứ ba, ông nói rằng điều nầy sẽ cần đến sự hy sinh rất thực tế về vật chất mà người khác đang cần. Câu 17 chép như sau: "Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được!" Phương cách mà sứ đồ Giăng đương có trong tâm trí của ông để cho chúng ta có cơ hội từ bỏ sự sống của mình cho nhau đó là chúng ta chia sẻ điều chúng ta đang sở hữu. Tình yêu thương không nghĩ đến việc sở hữu. Tình yêu thương biết rằng mọi sự thuộc về Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ là những quản gia của Ngài mà thôi. Mọi sự chúng ta có tùy vào ý muốn sử dụng của Ngài. Và khi chúng ta được tái sanh, tình yêu của Ngài trở thành tình yêu của chúng ta. Giờ đây, tình yêu đó của Ngài cai quản những gì chúng ta đang nắm giữ bằng hai tay của mình.
Vì thế, hãy trở thành một trong những người rất cụ thể đầu tiên, là người yêu thương bằng hành động và không chỉ bằng lời nói mà thôi. Sau đó, hãy trở thành một trong những người dám hy sinh tiếp theo, là người từ chối cái tôi của mình vì cớ ích lợi của người khác và từ bỏ sự sống của chúng ta theo như cách mà Đấng Christ đã từ bỏ sự sống của Ngài vì chung ta vậy. Và hãy trở nên một người ban cho thật rộng rãi với mọi thứ mà chúng ta có, biết rằng tất cả đều thuộc về Đức Chúa Trời, và chính chúng ta cũng vậy. Chúng ta là con cái của Ngài. Chúng ta là bản tánh của Ngài. Và Ngài là tình yêu thương.
Sự Chết Của Chúa Jêsus Bày Tỏ Tình Yêu Của Đức Chúa Trời
Vậy, khi chúng ta bước vào Tuần Lễ Thánh, tập chú vào một phương cách hoàn toàn mới về tình yêu của Đức Chúa Trời bày tỏ qua việc sai chính Con Ngài và qua việc Con ấy từ bỏ sự sống của mình để cho chúng ta thấy được tình yêu của Đức Chúa Cha là như thế nào. Và khi chúng ta tập chú vào những vinh hiển của tình yêu Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, hãy cầu nguyện sốt sắng để sự tái sanh sẽ được khẳng định giữa vòng chúng ta, vì sự tái sanh tạo ra sự gắn kết giữa tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta và tình yêu thương chúng ta dành cho nhau.
Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau
vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời
kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời
và nhìn biết Đức Chúa Trời.
- 1 Giăng 4:7